Là đất nước liên tục hứng chịu thiên tai từ động đất, sóng thần cho đến những cơn bão từ Thái Bình Dương, người Nhật luôn trong tâm thế sẵn sàng để ứng phó với sự dữ dội của thảm hoạ thiên nhiên.
Người dân Nhật với sự chuẩn bị kỹ lưỡng chống chọi với siêu bão Hagibis cùng cơn mưa lớn kỷ lục
Siêu bão Hagibis vừa đổ bộ Nhật Bản vào tối thứ 7 (12/10) đã gây ra trận mưa lớn kỷ lục làm ngập các con sông, bờ đê khiến gần 4 triệu người dân Nhật phải sơ tán đi nơi khác. Bão Hagibis – cơn bão được xem là lớn nhất Nhật Bản trong vòng 60 năm qua đã tàn phá nhiều khu vực nước này vào sáng ngày 12/10. Chỉ sau vài giờ, cơn mưa lớn đã làm ngập sông gây ra một số vụ lở đất. Một trận động đất mạnh 5,7 độ richter đã làm rung chuyển tỉnh Chiba, phía đông Tokyo khiến người dân náo loạn.
Là một đất nước thường xuyên đối mặt với thiên tai, Nhật Bản luôn trong tâm thế chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với sự thảm họa thiên nhiên để giảm thương vong đến mức thấp nhất. Họ biết được “sự nổi giận” của thiên nhiên là như thế nào nên không ngừng thúc đẩy ý thức chống chọi với thiên tai của người dân, cũng như giáo dục trẻ em bản năng sinh tồn để bước vào đời.
Siêu bão Hagibis đã thiết lập kỷ lục mưa lớn nhất từ trước đến nay và tạo ra một mực nước vô cùng nguy hiểm, có khả năng cuốn trôi cả một thành phố. Khi chuẩn bị cho cơn bão đổ bộ, cơ quan khí tượng Nhật Bản đã không ngừng cập nhật tin tức và đưa ra cảnh báo hiếm hoi trong suốt mấy thập kỷ qua về lượng mưa lớn xảy ra ở những khu vực sẽ chịu ảnh hưởng của siêu bão.
Chính phủ Nhật Bản đã huy động lực lượng chức năng có liên quan như báo đài không ngừng đưa tin cũng như phối hợp với các cơ quan khác kêu gọi cư dân sơ tán hoặc di chuyển lên tầng cao hơn trong các tòa nhà kiên cố gần nhất để tránh những nguy hiểm xảy ra.
Ngay sau khi dự đoán được sự nguy hiểm của siêu bão Hagibis, chính phủ Nhật Bản đã hủy hàng trăm chuyến bay trong nước và quốc tế của All Nippon Airways. Dịch vụ tại sân bay hay đường sắt cũng như dịch vụ tàu cao tốc giữa Tokyo và Osaka cũng được ra lệnh tạm ngưng phục vụ để tránh bão.
Với sức tàn phá của siêu bão, lần đầu tiên ban tổ chức World Cup bóng bầu dục đã hủy hai trận đấu ở Nhật Bản. Các địa điểm tham quan du lịch ở Tokyo bao gồm công viên giải trí Disneyland và Disneysea, Sở thú Ueno cùng hàng trăm siêu thị, cửa hàng bách hóa trong thành phố và các quận lân cận khác đều phải đóng cửa.
Vào tuần trước, khi cơ quan khí tượng Nhật Bản dự đoán rằng sự tiếp cận của Hagibis tại một thời điểm sẽ gây nguy hại đến cuộc sống của hàng triệu người, nên chính phủ đã nhanh chóng sơ tán hàng triệu dân sống dưới mực nước biển ở phía đông Tokyo.
Có thể nói, Hagibis được các chuyên gia xác nhận rằng có thể cạnh tranh với cơn bão Kanogawa vào năm 1958 khiến hơn 1200 người thiệt mạng ở tỉnh Shizuoka và khu vực Tokyo. Để tránh trường hợp ấy xảy ra một lần nữa, chính phủ và người dân Nhật đã nâng cao tinh thần chống chọi với thiên tai.
Không chỉ bão lũ, Nhật Bản từng phải hứng chịu những trận động đất khổng lồ có thể giết chết 10.000 người và phá huỷ 300.000 ngôi nhà
Mỗi ngày, vào khoảng 5 giờ chiều, một giai điệu nhẹ nhàng của bài hát thiếu nhi Yuyake Koyake được vang lên khắp khu vực Tokyo từ những chiếc loa trong siêu thị, trường học và công viên trong siêu đô thị 37 triệu dân này.
Trên thực tế, đây là một thử nghiệm cho hệ thống được thiết kế để cứu người Tokyo khỏi những thảm họa thiên nhiên kinh khủng trong lịch sử loài người được ghi lại: một trận động đất trung tâm thành phố đông dân nhất trên Trái đất.
Trận động đất lớn cuối cùng xảy ra ở Tokyo là vào năm 1923. Các chuyên gia ước tính trận động đất tiếp theo sẽ diễn ra vào một thế kỷ tới với ước tính 70% khả năng trận động đất mạnh 7 độ sẽ đánh vào Tokyo trước năm 2050. Theo ước tính, một trận động đất mạnh 7,3 độ xảy ra ở phía bắc vịnh Tokyo có thể giết chết 9.700 người và làm bị thương gần 150.000 người.
Nhớ lại vụ động đất 7,9 độ The Great Kanto kinh khủng nhất xảy ra bên dưới đảo Oshima, cách phía nam trung tâm Tokyo khoảng 100km, vào giờ trưa ngày 1/9/1923, hàng nghìn tòa nhà sụp đổ, hỏa hoạn bùng phát và những người thoát nạn đều mô tả hậu quả như một địa ngục trần gian. Con số tử vong và thương vong ước tính chính thức là 105.000 người trên toàn Tokyo và các thành phố lân cận, mặc dù một số báo cáo cho biết con số thật còn nhiều hơn thế nữa.
Từ năm 1923 đến nay, thành phố Tokyo đã đi một chặng đường dài cho việc chuẩn bị đối với những trận động đất lớn nhỏ. Các tòa nhà chọc trời công nghệ cao được thiết kế để lắc lư, các công viên có nhà vệ sinh khẩn cấp và băng ghế biến thành bếp nấu. Một thành phố có đội cứu hỏa lớn nhất thế giới, được đào tạo đặc biệt để ngăn chặn các đám cháy lan rộng sau động đất.
Robin Takashi Lewis, một chuyên gia ở Tokyo về chuẩn bị và ứng phó thảm họa cho biết: “Trong trường hợp xảy ra một trận động đất lớn thì sẽ có thiệt hại đáng kể đối với cơ sở hạ tầng quan trọng như điện, khí đốt, nước”. Chính quyền Tokyo cho biết họ đặt mục tiêu khôi phục điện trong vòng một tuần, cung cấp nước trong một tháng và khí đốt trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, việc trường hợp các nhu yếu phẩm cạn kiệt ở thành phố lớn như Tokyo và lực lượng cứu hộ quá tải vẫn có thể xảy ra.
Các hộ gia đình ở Tokyo được khuyến khích cố định đồ đạc vào tường bằng cách sử dụng giá đỡ hình chữ L, đặt nệm dưới các tủ và miếng đệm chống trượt cho ghế và chân bàn. Ngoài ra, người dân Tokyo cũng được khuyên luôn dự trữ thêm thực phẩm đóng hộp, nước đóng chai, cũng như bộ dụng cụ khẩn cấp với đèn pin, radio và thuốc hằng ngày. Các cửa hàng bán túi vệ sinh khẩn cấp có thể gắn vào nhà vệ sinh tiêu chuẩn khi nguồn nước bị cắt.
Đối với việc nếu như hàng triệu người đang di chuyển trên mạng lưới đường sắt và tàu điện ngầm vào lúc động đất xảy ra thì đừng quá sợ hãi. Tàu điện ngầm Tokyo cho biết cơ sở hạ tầng của họ được củng cố địa chấn và các đoàn tàu sẽ dừng khẩn cấp ngay lập tức trong tình trạng rung lắc mạnh.
Tự tạo ra viễn cảnh tồi tệ nhất và chấp nhận đối mặt một cách thực tế
Bởi vì người Nhật đã quá quen với thiên tai, nên các trường học và công ty thường tổ chức các cuộc diễn tập khẩn cấp vào ngày 1/9 hằng năm, ngày kỷ niệm trận động đất năm 1923, giờ đây được gọi là Ngày phòng chống Thiên tai. Ngoài ra, chính quyền Tokyo còn xuất bản một cuốn sách dài 339 trang, phác thảo kịch bản các thảm họa khác nhau và cách giảm thiểu rủi ro.
Cuốn sách này được phân phối cho 7 triệu hộ gia đình bằng nhiều ngôn ngữ, bên cạnh đó nó còn bao gồm một bộ truyện tranh ngắn có tên Tokyo ‘X’ Day và câu chuyện kết thúc bằng dòng chữ: Đây không phải là câu chuyện giả tưởng. Trong tương lai gần, câu chuyện này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.
Hiện tại, chính quyền Tokyo nói riêng và chính phủ Nhật Bản nói chung đang làm việc tích cực để cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết lập mạng lưới các con đường chính cho xe cứu hỏa và cứu hộ. Thành phố đã chọn 3000 trường hợp, trung tâm cộng đồng và các cơ sở làm trung tâm sơ tán trong trường hợp thảm họa lớn xảy ra. Bên cạnh đó, có hơn 1200 trung tâm dành cho những người cần được chăm sóc đặc biệt.
Đối mặt với viễn cảnh 5,2 triệu người mắc kẹt trong trận động đất lớn, chính quyền Tokyo muốn tránh việc di tản ồ ạt và khuyên mọi người nên ở lại nơi làm việc hoặc trường học. Theo đó, các doanh nghiệp và trường học sẽ lưu trữ nước uống, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác đủ để sử dụng trong ít nhất 3 ngày cho mọi người.
Học hỏi từ những thảm họa trong quá khứ, Tokyo đang áp dụng tiêu chuẩn chống địa chấn hiện đại cho đa số các tòa nhà. Chúng sẽ uốn cong và rung lắc để tránh sụp đổ, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp thảm họa xảy ra. Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng rất nhiều, nhưng phía trước còn có nhiều thách thức.
Cho dù thế nào đi nữa, cũng khó để hình dung cho sự hỗn loạn thật sự. Khi Ngày X cuối cùng sẽ đến, thì ý thức và bản năng sinh tồn chính người dân Tokyo nói riêng hay người Nhật nói chung sẽ trỗi dậy mạnh mẽ để cứu lấy thành phố và đất nước của họ.
Theo The New York Time, SCMP
Trả lời